Hãy thử gõ tên bạn
lên khung tìm kiếm của Google, và thử kiểm tra xem có bao nhiêu kết quả trả về?
Không? Rất nhiều nhưng chẳng có cái nào thực sự nói về bạn mà thay vào đó là một
tay diễn viên mới dắt người tình bí mật ra khỏi Starbucks? Vậy ra chúng ta có thực
sự tồn tại đối với thế giới, hay quan trọng?
Truyền thông đại
chúng không có chỗ cho những con người “bình thường”. Chúng ta thì có gì để kể,
ngoài việc hôm nay đổ xăng hết nhiều hơn 10 nghìn so với lần trước, hay đôi
giày mới đặt mua trông không hề đẹp như ảnh quảng cáo? Những câu chuyện ấy
không làm giới truyền thông giàu thêm, bởi chúng có vẻ đầy rãy và tẻ nhạt, trái
ngược với những ngôi sao chói sáng trên bầu trời showbiz và do đó, chúng hầu
như không hề tồn tại trên các phương tiện truyền thông.
Những chiếc xe,
cũng mang số phận tương tự trên mặt báo. Trong khi thông tin về các mẫu xe siêu
việt cùng những concept đại tài chiếm phần lớn giấy mực, những chiếc xe “bình
thường” nép gọn vào một góc và chỉ được đem ra bàn tán vào lúc chúng ra mắt, và
rồi chẳng ai nhắc tới chúng nữa. Những bài review dù chi tiết cũng không giúp
cho điều này trở nên êm dịu hơn khi hầu hết chỉ là những bản thông số kĩ thuật
kéo dài nhàm chán và cũ mèm, với format không sáng tạo hơn phim truyền hình sướt
mướt Hàn Quốc. Nhưng chuyện này thì khó mà trách các nhà báo được, bởi các hãng
xe có hẳn đội ngũ chuyên nghiệp để chắc chắn rằng không có gì đi quá xa khỏi bảng
thông số, tất cả phục vụ cho việc khiến chúng ta mua sắm và mua sắm nhiều hơn nữa.
Thế nhưng, câu
chuyện về những chiếc xe không dừng lại ở đó, trong đời sống, khi mà nó thực sự
bước ra khỏi khuôn khổ của những tấm hình render hay ảnh chụp được hậu kì kĩ lưỡng,
thì câu chuyện của những chiếc xe “bình thường” trở thành câu chuyện của chính
những con người “bình thường”, và nó thực sự thú vị. Regular Cars Review ra đời
như vậy.
Sau lời mở
của người dẫn, RCR bắt đầu bằng đoạn nhạc intro được Roman sáng tác/ chế lại lời
cho mỗi xe. Tập này họ chế lại nhạc hiệu của Power Rangers Dino Thunder – phiên
bản Mỹ của Bakuryuu Sentai Abaranger
Regular Cars
Review, hay RCR, là một kênh youtube, được xây dựng bởi Mr.Regular (tôi cũng
không rõ về tên thật của anh này, cũng như hầu hết mọi người theo dõi kênh,
nhưng ai mà quan tâm?) cùng người bạn của mình, Roman. RCR có thể được coi như
Honest Trailer trong thế giới xe, một Honest Trailer sâu sắc hơn. Nội dung
chương trình xoay quanh việc “đánh giá” những chiếc xe “thông thường”, tức theo
lời Mr.Regular, là phải được xăng 87 Octane và có giá dưới 30 ngàn đô, nhưng họ
phá lệ lâu rồi. Đối với những người xem lần đầu, RCR giống như một show giải
trí về ô tô vui vẻ thuần túy. Mr.Regular khởi đầu câu chuyện với giọng nói độc
nhất (thậm chí hơi quái dị) kèm sự tinh ý được khuyếch đại theo kiểu trào
phúng. Tuy nhiên, cái “quái” của RCR rất dễ chịu. Nó khiến cho RCR có thể trở
thành lựa chọn để nghe, và chỉ cần nghe thôi, rồi mặc cho youtube autoplay mở
liên tiếp các video khác khi mà bạn đã chán ngấy list nhạc mình nghe hằng ngày.
Và cái cách mà Mr.Regular kể chuyện thì luôn lôi cuốn đến mức một khi đã nghe rồi
thì có khả năng cao là bạn sẽ mất thêm vài giờ để xem lại các video khác. Các
video của RCR sở hữu tiết tấu tài tình, thỉnh thoảng lại xuất hiện vài điểm nhấn
khi người dẫn thốt lên những tiếng khá khó hiểu, song vô cùng bản năng. Ý tôi
là, những bài review thông thường làm sao có thể có được cách thức truyền tải cảm
xúc chân thực, nghịch ngợm và hào hứng thế này(?):
“a-SUBARUUUU
IMPOSSIBruuu. Oh you like-a SUBARUUU? You like ta' rallycross?
Four-wheel-drift-a-wu. uh-Mitsubishi-uuuww. uh-this review just-a this-a
voice-uuwww. This is-a racist-uuuwww. A FOUR DISK a-SYSTEM-uuww.” – Trích video về chiếc 2003
WRX, khi anh này trêu chọc kiểu phát âm tiếng Anh của người Nhật.
“… và chiếc
NSX thấp dính xuống mặt đất và ý tôi là thấppppppp. Nó thấp hơn cả thành phố
Atlantis, thấp hơn cả mức lương tối thiểu…”
“… Vấn đề với
Buell là họ chưa bao giờ tán dương nguồn gốc Mỹ của mình, và tôi phải thành thật
rằng, nếu bạn có ý định tạo ra một chiếc xe Mỹ, bạn phải giương lá cao lá cờ,
to lớn và mạnh mẽ, và Buell chưa bao giờ làm như thế. Họ cố gắng tạo ra một chiếc
xe vô cùng phức tạp, một chiếc xe tự do chủ nghĩa. Họ hề không cảm thấy cần phải
phô trương chủ nghĩa ái quốc. Nhưng nếu bạn muốn bán một chiếc motor, bạn cần
phải làm thật rõ rằng nó đến từ đâu. Ý tôi là nhìn sang những chiếc xe Nhật mà
xem, chúng ta thích chúng vì chúng là xe Nhật, chúng không phải xe Mỹ, chúng ta
hiếu kì rằng “ở đó” thì sẽ thế nào, thế nên bạn ngồi lên một chiếc Katana, ý
tôi là làm sao có thể ái quốc như thế, họ đặt tên xe theo tên thanh kiếm…”
Thiên tài!
Thật ra thì không nhất thiết phải
bộc lộ cảm xúc “quá đà” như thế, các nhà báo “chuyên nghiệp” lại càng tránh việc
đưa cảm xúc cá nhân vào bài vở. Thế nhưng, làm gì còn cách nào dễ hiểu hơn, bản
năng hơn việc dùng những ngôn từ và cách biểu đạt trần trụi để chúng ta, những
con người khác nhau, đến từ những nơi khác nhau, ở trong những ngôi nhà khác
nhau, nấu thịt khác nhau và nói chuyện khác nhau, cùng hiểu một vấn đề nào đấy?
Hơn nữa, chúng ta là con người, nên những cảm xúc ấy là bình thường, nếu không
nói là đáng khuyến khích. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn mong có được “một vé đi
tuổi thơ”, khi vẫn còn giữ được tâm thế tự do thoải mái vô tư hay sao? Những cảm
xúc ấy có thật, mà sự thật thì luôn có giá trị, dù thế nào đi nữa.
Mr.Regular ghét chiếc
Jetta
Tuy nhiên, hầu hết thời lượng của
chương trình được giành cho việc “kể lại” câu chuyện, tự nhiên và truyền cảm,
thiết tha và thấu hiểu, hơn cả Prudential. Lời dẫn luôn được thể hiện liền mạch,
đôi khi cũng dừng lại đôi chút để nói móc, chẳng hạn, một phần cũng nhờ RCR cố
gắng ghi âm chương trình không dừng, ngay cả khi có những “sự cố” vui vui, giống
khi Pink Floyd thu album “Dark Side Of The Moon”. Nhưng còn tốt hơn, mỗi video
của RCR còn giống 9 chương của “Shine On You Crazy Diamond”, vì nghe album trên
mạng thì vẫn hay bị ngắt quãng giữa các bài do mạng không đủ nhanh để chuyển
bài cho mượt. Lời kể và cốt chuyện thì mượt mà, và cách hoán đổi chủ đề thì uyển
chuyển, nhịp nhàng từa tựa thơ (nghe hơi sến, nhưng đó là do quan điểm sai chứ
thơ thì cũng lắm loại), và họ viết thơ thật:
“So many Mazdas of all shapes and sizes
We did the Miata which is why this franchise is
The RX-8 was an improved RX-7
which had been discontinued since 2011
We did the Miata which is why this franchise is
The RX-8 was an improved RX-7
which had been discontinued since 2011
It came in all colors, it came in all shades
Turd brown, magenta and gunmetal gray
Naturally aspirated with side exhaust ports
the engine was the two-and-ten horsepower sort
Turd brown, magenta and gunmetal gray
Naturally aspirated with side exhaust ports
the engine was the two-and-ten horsepower sort
They said it was sleek, they said it was classy
But it was really just built on an MX-5 chassy.
But it was really just built on an MX-5 chassy.
Mazda cũng phấn
khích quá mức khi nhồi nhét trong chiếc RX-8 cả tá hình tam giác gợi ý rằng:
“Xe này chạy động cơ Wankel đấy!”
Nhưng đằng
sau những câu đùa hài hước tục tĩu đúng kiểu bình dân cùng lối kể truyền cảm là
một câu chuyện hay. Và RCR rất cố gắng để chân thành, công bằng nhất có thể,
cho dù chương trình nói về ô tô, mô tô (thỉnh thoảng họ cũng phá lệ), hay máy
bay và máy cắt cỏ (họ review cả chiếc PA-28- gì đó). Cũng như cho dù tỏ ra am
tường như giới mê xe thực thụ bằng cách gọi tên những chiếc xe Nhật qua mã
khung gầm thường thấy, hoặc các lý giải kĩ thuật “vừa tới” dễ hiểu, trọng tâm của
RCR vẫn luôn là những câu chuyện. Họ, bằng lời kể chân thành và thiết tha (lại
nữa), muốn chắc chắn rằng chúng ta hiểu được ý tưởng mà nhóm đề cập tới, về sự
kết nối thần kì vô hình, giữa xe và người. Bởi vì ngay từ khi chưa được “thực
thể hóa”, ngay từ khi còn nằm trên bản vẽ và còn lâu mới tới được mô hình đất
sét, chuyện của xe vẫn luôn là câu chuyện của con người. Chính chúng ta thiết kế
ra chúng. Chính chúng ta, những con người biết sợ hãi, lo lắng, hân hoan và yêu
đương, những con người nằm trong dòng chảy bất tận của đời sống. Những chiếc xe
chính là sự biểu hiện, tấm gương phản chiếu chính chúng ta, tái hiện lại chính
chúng ta, tại một lát cắt, một phần tử vi mô trong thời gian. Kết nối ấy luôn
hiện hữu cho dù chúng ta có nhìn thấy, hoặc chấp nhận nó hay không. Nó ẩn hiện đâu
đó giữa sự vận động của văn hóa, chính trị, đời sống, điều mà Mr.Regular vẫn
thường nhắc tới, chẳng hạn:
“…1994 quả thật là năm tuyệt vời. Đó
là kiểu thời điểm mà chỉ xuất hiện cỡ ba thập kỉ một lần. Đó là năm mà văn hóa
ô tô, văn hóa pop, và nhận thức đại chúng về việc thứ gì là tốt đẹp giao hợp.
Pulp Fiction, Shawshank Redemption, Forrest Gump, The Lion King, True Lies và
The Mask đều ra rạp. Oasis ra mắt album đầu tay, Beastie Boys ra mắt MV
“Sabotage” và nó chiếm lĩnh luôn kênh MTV tại thời điểm đó. Friends ra mắt và
giá thành trung bình của một chiếc xe mới là 12.350 đô la… và giá trung bình của
mỗi gallon xăng là một đô-chín…”
“…Hoàn toàn có thể chấp nhận được việc
Honda không bao giờ tạo ra thứ này (nói về chiếc NSX). Ý tôi là, năm 1994, chiếc
Civic là không thể chặn đứng, chiếc Accord bán chạy hàng đầu và chiếc Prelude
SI thì bá đạo ở cả ngoài đời và trong Gran Turismo 1. Chiếc NSX là chiếc xe
không cần thiết phải “xảy ra”, và cũng như Daniel Bryan, Honda cần phải chứng tỏ
điều gì đó, để cho thấy rằng họ có thể chơi chung với các anh cả và xứng đáng
có một ghế ở bàn người lớn…”
Hơn nữa, tới khi
chiếc xe thuộc quyền sở hữu của ai đó, chúng trở thành câu chuyện của chính cá
nhân anh ta. Đến lúc này, chiếc xe đã có cho riêng mình một cá tính đi kèm những
câu chuyện độc nhất chẳng ai giống ai, nhưng luôn có thể được chia sẻ và thấu
hiểu dễ dàng qua một cái “À!!!!” với điệu cười khoái chí lắm, vì chúng ta kết nối
với nhau, tại mỗi giao điểm của những câu chuyện.
“Tôi không nói rằng
những việc như thế này không xảy ra nữa, nhưng nếu chúng xảy ra thì giờ đây
chúng ta sẽ mở một ứng dụng trên điện thoại để tìm lấy cái nhà hàng gần nhất,
và bạn sẽ không tự mình đi “thám hiểm” nữa, cũng như chẳng thể đi lạc trong chiếc
EH hatchback mà không có gì trong tay ngoài tấm bản đồ giấy để định hướng, và bản
đồ thì cũ rồi và có thể con đường mới đã xuất hiện, bạn phải nhớ lấy điều đó và
rồi đi lạc, rồi vòng đi vòng lại, nhưng cuối cùng cũng tìm được đường về nhà.
Ngày nay chúng ta giành ít thời gian hơn để trải nghiệm những kí ức và giành
nhiều thời gian hơn để sửa đổi chúng…”
Tập mới của RCR
lên sóng mỗi thứ 2. Hãy đón xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét